Sau ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tầng lớp nhân dân cả nước đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ chính quyền còn non trẻ. Trong những năm 1949 – 1950, phong trào đấu tranh của thanh niên, học sinh, sinh viên tại các đô thị diễn ra liên tục, rầm rộ và rộng khắp, nhất là ở Sài Gòn – Gia Định.
Ngày 9/01/1950, Đoàn Thanh niên cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn – Chợ Lớn đã vận động và tổ chức cho hơn 2.000 học sinh, sinh viên các trường cùng nhiều giáo viên và 7.000 nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn biểu tình đòi đảm bảo an ninh cho học sinh, sinh viên học tập và trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt, mở lại trường học. Đoàn biểu tình đã bị đàn áp dã man. Trần Văn Ơn – người thanh niên tiêu biểu cho lòng yêu nước và ý chí đấu tranh bất khuất của học sinh, sinh viên – sau khi đã dũng cảm hứng chịu những xô đẩy và dùi cui để che chở cho các em học sinh nhỏ tuổi hơn, anh đã bị trúng đạn. Anh hy sinh vào lúc 15 giờ 30 phút chiều ngày 09/01/1950 khi chưa tròn 19 tuổi.
Học sinh, sinh viên Sài Gòn- Chợ Lớn biểu tình ngày 9-1-1950.
Tại Sài Gòn, ngày 12/01/1950 đám tang Anh Trần Văn Ơn đã biến thành cuộc biểu tình thị uy của trên 5 vạn người đứng trên các hè phố tiễn đưa anh. Lễ tang anh Trần Văn Ơn cũng đã được cử hành trên khắp các tỉnh thành trong cả nước. Hàng triệu lượt học sinh, sinh viên và đồng bào đã đeo băng tang truy điệu với lòng thương tiếc và xuống đường tuần hành bày tỏ ý chí căm thù giặc và ý chí đấu tranh kiên quyết chống thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai. Bài điếu văn trong buổi lễ tang có câu :
“Ai chết vinh buồn chăng?
Ai sống nhục thẹn chăng?”
Lễ tang Anh Trần Văn Ơn
Những câu hỏi đó cứ vang mãi trong những tháng năm đen tối của đất nước; làm dấy lên trong học sinh, sinh viên và nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn lòng căm thù giặc và ý chí đấu tranh kiên quyết chống thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai; thúc giục bao thế hệ trẻ noi gương Trần Văn Ơn, quên mình xông lên phía trước.
Với sự kiện lịch sử đó, noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của anh Trần Văn Ơn và học sinh, sinh viên trong những ngày đầu kháng chiến, Đại hội toàn quốc Liên Đoàn thanh niên Việt Nam lần thứ nhất, tháng 2 năm 1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 9 tháng 01 hàng năm làm ngày truyền thống học sinh – sinh viên. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V (22-23/11/1993) tại Thủ đô Hà Nội đã quyết định đồng thời lấy ngày 9 tháng 01 làm Ngày truyền thống của Hội Sinh viên Việt Nam.
73 năm qua, phong trào học sinh, sinh viên và tổ chức Hội sinh viên Việt Nam đã có những cống hiến xuất sắc và trưởng thành vượt bậc qua các thời kỳ lịch sử cách mạng, là niềm tự hào của thế hệ học sinh, sinh viên ngày nay. Không chỉ thế, tinh thần yêu nước, say mê hiếu học của học sinh, sinh viên Việt Nam như một ngọn lửa đỏ, lan tỏa từ thời đại này sang thời đại khác, thế hệ này sang thế hệ khác, ngày càng góp phần làm rạng danh Tổ quốc Việt Nam trên khắp năm châu.
Nhà thơ Thanh Thảo trong trường ca “Những người đi tới biển” đã viết:
“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
Tuổi hai mươi làm sao không tiếc?
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ Quốc?”
Một mùa xuân mới căng tràn nhựa sống đang đến. Để tiếp tục thổi bùng lên ngọn lửa của niềm tin, của sức trẻ, của tinh thần dám sống, dám khẳng định vị thế của mình, hơn ai hết, thế hệ học sinh, sinh viên chúng ta hôm nay cần ý thức vai trò trách nhiệm của mình đối với đất nước; tích cực lao động, học tập, tích lũy tri thức, rèn luyện sức khỏe để góp phần phát triển đất nước theo kịp thời đại, hội nhập với xu thế phát triển chung của Quốc tế. Đồng thời, mỗi chúng ta cần quan tâm theo dõi đến tình hình chung của đất nước, tỉnh táo trước hành động của mình, nhất là khi sử dụng mạng xã hội, tiếp cận các nguồn thông tin, thể hiện lòng yêu nước… để không bị kẻ xấu lợi dụng; cần hưởng ứng và lan rộng các hành động đẹp, ý nghĩa trong toàn xã hội.
Có một câu hát được nhiều thế hệ học sinh, sinh viên yêu mến “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay?”. Nếu mỗi người trẻ luôn luôn thường trực trong tâm trí mình câu hát ấy, thì từ mỗi việc làm dù nhỏ nhất đều thấm đẫm tình yêu với Tổ quốc và luôn thấy Tổ quốc đang gọi tên và trông đợi ở chính sự nỗ lực của mỗi người trẻ tuổi chúng ta. Tất cả vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam thân yêu!
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 01 năm 2023
Võ Cư
Phòng Truyền thông, Giáo dục và Quan hệ Quốc tế
- Tài liệu tham khảo:
- Phong tào học sinh – sinh viên Sài Gòn thời kỳ chống Pháp xâm lược 1858 – 1954 – các cựu cán bộ Đoàn: Trần Văn Nhiệm, Lê Thanh Văn, Nguyễn Văn Kết, Nguyễn Văn Lê thực hiện.
- Chúng ta đã đứng dậy – Câu lạc bộ Truyền thống Thành Đoàn thực hiện viết về phong trào sinh viên học sinh Sài Gòn – Gia Định từ 1954 – 1975.