“Đám cưới không có chú rể” là câu chuyện tình của bà Lê Thị Sáu (Tư Sương) và ông Nguyễn Đông Hà (Ba Lam) trong vùng căn cứ thời kháng chiến chống Mỹ. Trong ngày vui trọng đại ấy có mặt đầy đủ họ hàng hai bên cùng đồng đội thân thương, nhưng lại vắng mặt chú rể, do trên đường đi công tác từ Long An về đám cưới của mình thì gặp phải trận càn của lực lượng quân đội Mỹ thuộc Sư đoàn anh Cả Đỏ nên đành vắng mặt.
“Người mát tay” se duyên cho đồng chí Tư Sương và Ba Lam là anh Hai Nghị- Hồ Hảo Hớn, Bí thư Khu Đoàn Sài Gòn – Gia Định, người lãnh đạo, người đồng chí, người anh lớn kính yêu của tuổi trẻ thời bấy giờ; người se duyên này cũng là chủ hôn cho đám cưới mà vì bị giặc ruồng bố chú rể không có mặt.
Những mối tình trong thời “mưa bom, lửa đạn” luôn gặp phải những trắc trở khó khăn và có lẽ vì những trắc trở, khó khăn ấy mà những mối tình luôn gắn bó bền chặt. Đó cũng là nguồn cảm hứng cho các nhà báo, nhà văn hay chính người trong cuộc cảm xúc với những tác phẩm sau ngày đất nước giải phóng, thống nhất.
Năm 1966 chiến tranh ác liệt, Mỹ ào ạt đưa hơn năm trăm ngàn quân Mỹ và chư hầu vào chiến trường miền Nam Việt Nam nhằm đánh phá các cơ sở đầu não cách mạng. Trong vòng vây của pháo nổ tứ bề, ruồng bố, các trạm kiểm soát dầy đặc nhưng đám cưới của bà Tư Sương vẫn được tổ chức trọng thể trong vùng căn cứ Bến Cát, Bình Dương với tay nghề nấu nướng của má Sáu Hoà, má Út cùng nhiều bà má chiến sĩ. Những đồng đội dự đám cưới đã vượt bao trạm gác gắt gao để mua nhiều thực phẩm với số lượng lớn, họ thức thâu đêm đãi gạo để làm các món ăn ngon cho tiệc cưới. Các anh chị em thanh niên địa phương tích cực tập dợt, chuẩn bị cho các tiết muc văn nghệ phục vụ đám cưới.
Thân nhân, những bạn bè, đồng đội thân thiết của cả hai người đều đến tham dự đám cưới, chỉ thiếu vắng nhân vật chính là “chú rể” Ba Lam của cô dâu “Tư Sương”; vì vậy, hai cái ghế để dành cho nhân vật chính ngồi để trống và phần văn nghệ chào mừng đám cưới không được diễn ra như dự định.
Sau nhiều năm, qua các lần Hội nghị rồi Đại hội Đoàn, chị Tư Sương mới biết người viết hai câu thơ đó, khi anh Ba Lam tỏ tình: “Qua quá trình tìm hiểu, được sự giới thiệu của bạn bè, tôi có tình cảm với chị, được tổ chức cho phép, hôm nay tôi đặt vấn đề này, vậy chị thấy thế nào?”. Do tính tình hơi nam tính, không cần suy nghĩ gì, chị Tư Sương trả lời thẳng thắn: “Anh hiểu tôi như thế nào, bạn bè giới thiệu làm sao mà anh đặt vấn đề vậy?”. Cuối tháng 3/1966, đám cưới diễn ra nhưng lại thiếu vắng chú rể.
Vậy đó, tình yêu của các cô chú đi làm cách mạng ngày trước dung dị, không rào trước đón sau và với họ, tổ chức và nhân dân là trên hết. Không gặp nhau nhiều, không cần hứa hẹn, họ vẫn sống và chung thuỷ với tình yêu của mình của mình mà không cần suy tính thiệt hơn.
Sau cuốn hồi ký “Như cánh hoa ngược dòng”, bà Lê Thị Sáu (Tư Sương) lại viết quyển tự truyện “Đám cưới không có chú rể”. Với truyền thống gia đình có nhiều người tham gia cách mạng, bà Tư Sương tham gia phòng trào sinh viên học sinh. Tình duyên đưa đẩy, bà đã gặp ông Nguyễn Đông Hà (Ba Lam) cháu ngoại của nhà yêu nước vĩ đại Phan Châu Trinh. Tình yêu của họ trong chiến tranh với những lần gặp nhau khi đi công tác, trong những chuyến giao liên hay lần tổ chức đám cưới trong căn cứ với đông đảo bạn bè, người thân, gia đình đồng chí… nhưng lại thiếu chú rể bị giặc càn không về dự kịp. Rồi cả hai vợ chồng bà đều bị giặc bắt giam đi đày Côn Đảo và người con đầu lòng cũng có thời gian theo mẹ vào tù.
Với lối kể chuyện mộc mạc, bình dị, tự truyện “Đám cưới không có chú rể” của bà Lê Thị Sáu chứa đựng tình cảm nồng nàn, sâu lắng, đầy nữ tính của nữ cán bộ lão thành cách mạng qua bao nỗi thăng trầm của đất nước.
Bạn đọc có thể xem hồi ký “Như cánh hoa ngược dòng” và tự truyện “Đám cưới không có chú rể” của bà Lê Thị Sáu (Tư Sương) tại Thư viện Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 12 năm 2022
Nguyễn Thị Thắm