NHỚ DÌ TÁM LỰU – ỦY VIÊN ĐOÀN CHỦ TỊCH
ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
Nhân kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930-18/11/2022), nay là Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ giới thiệu đến bạn đọc một trong những thành viên Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bà Nguyễn Thị Lựu, dì Tám Lựu của đội ngũ viên chức Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ các thời kỳ. Những khách từng đến tham quan Bảo tàng và nghe câu chuyện kể đều xúc động trước hiện vật của dì Tám để lại “Đôi uyên ương thêu dở”.
Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ sáng lập ngày 18/11/1930. Từ Hội Phản đế đồng minh-hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay đã trải qua lịch sử vẻ vang 92 năm, đánh dấu sự phát triển về chất của phong trào yêu nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước. Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất 18/11 hằng năm đã trở thành Ngày truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và là “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc”. Kể từ ngày thành lập đến nay, ở bất kỳ thời kỳ nào, tổ chức Mặt trận cũng thể hiện rất rõ và thực hiện rất tốt vai trò, vị trí của mình, luôn trung thành với tôn chỉ, mục đích tập hợp các tầng lớp nhân dân thành một khối đoàn kết thống nhất về ý chí và hành động, tinh thần và lực lượng, tạo thành sức mạnh to lớn của cả dân tộc để hoàn thành những mục tiêu cách mạng cao cả do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: “Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu, làm nên sức mạnh vô địch của dân tộc Việt Nam, được hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử, trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Ông cha ta đã từng tổng kết: “Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”; “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”; “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”; “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”…
Trong thời đại Hồ Chí Minh, xây dựng ý chí và tinh thần đoàn kết được xác định là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm cho thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bác Hồ đã nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”.
Trong suốt 92 năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn xứng đáng là tổ chức đại diện của nhân dân, là một bộ phận cấu thành quan trọng trong hệ thống chính trị ở nước ta, góp phần củng cố, tăng cường đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong cộng đồng; phát huy quyền làm chủ, chia sẻ, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân; tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước với nhân dân trong củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của mỗi địa phương và cả nước.
Bà Nguyễn Thị Lựu tên khai sinh là Đỗ Thị Thưởng, sinh ngày 23 tháng 9 năm 1909 trong một gia đình địa chủ khá giả tại xã Hòa An, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Do bà ngoại tin vào lời tướng số cho rằng Đỗ Thị Thưởng kỵ tuổi với mẹ nên đã thuê vợ chồng một tá điền nuôi dưỡng, đến năm 1916 mới được đón về sống chung với cha mẹ ruột. Bảy năm sống chung với gia đình mẹ nuôi nghèo khó đã một phần hình thành tình cảm và nếp nghĩ của Nguyễn Thị Lựu là rất gần gũi với người dân lao động nghèo khổ. Sinh ra trong thời kỳ mất nước, tận mắt chứng kiến những bất công trong xã hội, cảnh người dân lầm than cơ cực chịu sự bóc lột của bọn địa chủ cùng thực dân Pháp, Nguyễn Thị Lựu đã sớm quan tâm, trăn trở với thời cuộc, muốn đóng góp sức mình thay đổi vận mệnh đất nước và nhân dân.
Tham gia cách mạng từ năm 1927, năm 1928 bà Nguyễn Thị Lựu được kết nạp vào tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, đảm nhiệm công tác phụ vận khi mới 18 tuổi. Năm 1928, bà thoát ly gia đình lên Sài Gòn phụ trách liên lạc quốc tế ở Khánh Hội cùng với đồng chí Lý Tự Trọng. Năm 1929, bà được điều về Cần Thơ xây dựng cơ sở Nông hội ở Phong Hòa. Cuối năm 1929, bà được kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng tại Phong Hòa, Cần Thơ, lấy bí danh là Cửu. Cuối năm 1930, bà Nguyễn Thị Lựu được bầu vào Tỉnh ủy Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Đầu năm 1931, Tỉnh ủy Mỹ Tho đưa bà Nguyễn Thị Lựu về Sài Gòn và bổ sung vào Xứ ủy Nam Kỳ; bà được bầu vào Ban Thường vụ Công hội Đỏ tại Sài Gòn – Chợ Lớn. Cũng thời gian này, bà nhận lời hứa hôn với ông Nguyễn Văn Hanh (bí danh Nhuận) – Phó Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho.
Tháng 5 năm 1931, bà Nguyễn Thị Lựu bị mật thám bắt giam tại Khám Lớn Sài Gòn. Trước những trận đòn khốc liệt, dã man của địch, bà Nguyễn Thị Lựu vẫn kiên định, giữ vững khí tiết của người cộng sản. Tòa đại hình đặc biệt Sài Gòn mở phiên xử kéo dài 7 ngày (từ ngày 2 tháng 5 đến ngày 9 tháng 5 năm 1933) đã tuyên án bà 5 năm tù giam tại Khám Lớn Sài Gòn. Ông Nguyễn Văn Hanh khi đó cũng bị bắt và bị tuyên án tử hình, hạ xuống chung thân khổ sai, bị đày đi Côn Sơn (Côn Đảo). Đến năm 1936, khi được trả tự do, bà Nguyễn Thị Lựu mới biết tin người yêu đã hy sinh trong chuyến vượt ngục Côn Đảo vào cuối năm 1934, cùng với 10 đồng chí khác, trong đó có đồng chí Ngô Gia Tự (1908 – 1934) – Bí thư đầu tiên của Xứ ủy Nam Kỳ.
Năm 1958, bà Nguyễn Thị Lựu được điều ra Hà Nội, lúc này bà là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tham gia đại biểu Quốc hội khóa II năm 1960. Năm 1960, bà được giao giữ chức Vụ trưởng Vụ Quốc tế Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trực tiếp lãnh đạo các tổ chức: Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, Ủy ban Đoàn kết Nhân dân Á Phi của Việt Nam, Ủy ban đấu tranh cho nền độc lập Algérie… Đồng thời, bà còn được cơ cấu là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Từ năm 1961 đến năm 1976, bà Nguyễn Thị Lựu là Phó Tổng Thư ký Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Xô. Năm 1976 đến năm 1979, bà là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam. Bà là đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) khóa II, III, IV; từng giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Quốc hội khóa III và IV.
Trong suốt 21 năm tham gia Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bà Nguyễn Thị Lựu là tấm gương sáng ngời về tinh thần cách mạng của người phụ nữ Việt Nam, là một nữ cán bộ trung kiên của Đảng từ lúc còn hoạt động cách mạng bí mật đến ngày thắng lợi hoàn toàn thống nhất đất nước và cho đến khi từ trần, bà luôn kiên trì và bền bỉ đấu tranh, tạo dựng được niềm tin yêu của Đảng, của đồng chí, đồng bào, bạn bè, quê hương và gia đình. Cuộc đời của bà Nguyễn Thị Lựu đã toát lên những phẩm chất cao quý của người phụ nữ về tinh thần cách mạng, về tình yêu, lòng thủy chung, kiên cường, bất khuất vượt qua những thử thách nghiệt ngã để hoàn thành lý tưởng cách mạng của mình.
Tháng 3 năm 1979, bà Nguyễn Thị Lựu nghỉ hưu và bà mất vào ngày 11 tháng 10 năm 1988 tại Thành phố Hồ Chí Minh do tuổi cao, sức yếu.
+ Những tài liệu của Bà Nguyễn Thị Lựu khi tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:
Tp.Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 11 năm 2022
Hồ Ngọc Phương
Phòng Kiểm kê – Bảo quản
Tài liệu tham khảo:
- Sách “Tình yêu và Ánh lửa” – NXB Tổng Hợp xuất bản năm 2015.
- Trang thông tin điện tử: Thanhuytphcm.vn (ngày 23/09/2021).
- Trang thông tin điện tử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (http://mattran.org.vn)ngày 18/11/2020.
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bến Tre (http://mttq.bentre.gov.vn) ngày 09/11/2021.