NHỮNG BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG LÀ LIỆT SĨ

Để có được hòa bình, thống nhất như hôm nay đã có gần 2 triệu người con ưu tú đã ngã xuống cho cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, thống nhất nước nhà. Cảm nhận sâu sắc công lao to lớn của những bà mẹ Việt Nam mất con trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1966), Bác Hồ đã nói: “Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ hai miền Nam – Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta”. Ngày 29/8/1994, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Kể từ năm 1994 đến nay đã có hàng ngàn người mẹ trên khắp mọi miền của Tổ quốc được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Riêng thành phố Hồ Chí Minh đến tháng 10/2014 đã có khoảng 3188 Mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu mẹ Việt Nam anh hùng. Nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2014), Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ trân trọng giới thiệu đến bạn đọc chân dung những mẹ vừa là Bà Mẹ Việt Nam anh hùng vừa là liệt sĩ hiện đang được thờ cúng tại huyện Củ Chi.

1. Liệt sĩ Phạm Thị Nính (1916-1954)

Liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Nính, sinh năm 1916 trong một gia đình nông dân nghèo ở ấp Chánh (nay là ấp Trung), xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, hy sinh ngày 10/7/1954, hưởng dương 38 tuổi. Mẹ có một con trai duy nhất và một con nuôi đã anh dũng hy sinh tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Sinh ra và trưởng thành trên quê hương có truyền thống đấu tranh cách mạng từ lâu đời, nhân dân xã Tân Thông Hội luôn có tinh thần đoàn kết, yêu thương đùm bọc gắn bó nhau, có tấm lòng mến khách, thủy chung, trọng nghĩa khinh tài, thẳng thắng cương trực, nói thẳng nói thật rồi sẵn sàng bỏ qua, tha thứ cho nhau để cùng tiến bộ. Người dân nơi đây đã nung nấu trong lòng tinh thần yêu nước, ý chí căm thù giặc sâu sắc và lòng khác khao tự do, công bằng, tôn trọng lẽ phải, không chịu khuất phục trước áp bức bất công nào. Cũng như những bà mẹ Việt Nam anh hùng khác, mẹ Nính là người phụ nữ Việt Nam rất đỗi bình dị nhưng kiên cường bất khuất trong đấu tranh giành độc lập dân tộc. Tiếp thu được truyền thống tốt đẹp của quê hương, Mẹ Nính sớm giác ngộ và tham gia cách mạng trong suốt thời kỳ 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược. Năm 1943, mẹ lập gia đình với ông Bùi văn Kheo (1913-1982), người cùng xã và là một nông dân hiền lành chất phát.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 như một luồng gió mới thổi đến khắp mọi miền đất nước Việt Nam, ai ai cũng mùng vui vì từ đây nước nhà được độc lập, có chính quyền cách mạng, có Chủ tịch nước của mình. Nhưng cuối tháng 09/1945, giặc Pháp trở lại đánh chiếm Nam bộ. Năm 1946, giặc Pháp đã tràn về Củ Chi, xóm làng xao xác, nhân dân tiếp tục sống trong cảnh loạn lạc, bom đạn giặc ngày đêm giết hại dân lành. Mẹ Nính đã cùng bà con xóm ấp tham gia công tác, phục vụ chiến đấu như đóng góp lương thực cho cách mạng, tham gia các cuộc đấu tranh biểu tình chặn đường giặc vào ruồng bố cướp phá xóm làng.

Từ năm 1949, mẹ Nính đã cùng bộ đội, du kích và bà con tích cực tham gia phong trào đào địa đạo, xây dựng ấp xã chiến đấu. Trong xã ấp chiến đấu còn có những bãi chông, bố trí những nơi giặc hay lùng sục, rải rác trên đường đi. Ở gia đình thì bố trí hầm chông, hố chông xung quanh chuồng heo, chuồng gà, những bụi chuối, cây đang có quả, dọc hàng rào, trên các đường vào nhà hoặc từ nhà này sang nhà bên cạnh…

Tháng 9/1952, một cơn bão lớn chưa từng có ở Nam bộ, đã gây ngập lụt khắp nơi. Đồng Tháp Mười là vựa lúa kháng chiến đã trở thành một biển nước mênh mông kéo dài cả tháng trời. Sau cơn lũ lụt, nạn đói nghiêm trọng đã diễn ra, buộc Đảng ta phải có biện pháp giải quyết, trước mắt là phải triệt để tiết kiệm lương thực, vận động nhân dân đoàn kết, tương trợ nhau, lá lành đùm lá rách, đồng thời đẩy mạnh sản xuất hoa màu ngay sau khi nước rút. Trước khó khăn, mẹ Nính đã cùng bà con nhân dân trong xã đã hết lòng chi viện cho cán bộ, chiến sĩ.

Tháng 5/1954, tin vui chiến thắng Điện Biên Phủ đến với nhân dân xã Tân Thông Hội, càng thôi thúc mẹ Nính cùng mọi người tiến lên giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Sáng ngày 10/7/1954, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Sáu Bân (Lê Công Tâm) – Bí thư Chi bộ, mẹ Phạm Thị Nính dẫn đầu đoàn biểu tình cùng với các đồng chí Liêu Bình Hương, Phan Thị Hối, Nguyễn Thị Nữ và các đảng viên và hơn 600 người thuộc các ấp Chánh, ấp Trung, ấp Bàu Sim và các xã lân cận đã tham gia tuần hành, biểu dương lực lượng tại Quán Đôi (khu vực ấp Bàu Sim trên quốc lộ 22). Đoàn người tập trung tại ấp Chánh (gần đồng mả Thầy Chùa), khu vực Quán Đôi kéo ra quốc lộ 22. Cờ đỏ sao vàng tung bay cùng với những băng rôn, khẩu hiệu, bà con hô vang: “Đã đảo đế quốc Pháp- đế quốc Pháp phải thi hành hiệp định đã ký”. Đoàn biểu tình dự định kéo về Nhà Việc tại Củ Chi để đấu tranh đòi thực dân Pháp và tay sai nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Giơ ne vơ. Giặc Pháp đã đàn áp, dìm cuộc biểu tình trong biển máu. Chúng xả súng vào đoàn người biểu tình giết hại 54 người (trong đó xã Tân Thông Hội có 29 người) và làm bị thương 57 người khác. Mẹ Phạm Thị Nính đã anh dũng hy sinh cùng nhiều đồng chí, đồng bào khác, như các đồng chí: Liêu Bình Hương, Phan Thị Hối…

Mẹ Phạm Thị Nính là người phụ nữ gan dạ, kiên cường, có tinh thần cách mạng, đã dâng hiến cả cuộc đời mình cho quê hương đất nước. Mẹ Nính hy sinh bỏ lại người con trai duy nhất của mẹ lúc đó chỉ mới 10 tuổi là anh Bùi Văn Sen. Anh Bùi Văn Sen đã nuôi ý chí giết giặc trả thù cho mẹ và góp phần vào sự nghiệp giành độc lập cho dân tộc. Tháng 1/1962, năm anh lên 18 tuổi đã xung phong vào đội du kích xã Tân Thông Hội. Anh chiến đấu và hy sinh tại vùng Bưng, ấp Chánh, xã Tân Thông Hội ngày 7/9/1963. Ngoài ra, mẹ còn người con nuôi là Bùi Văn Rảnh (con người chị chồng) được mẹ nuôi dưỡng từ năm lên 8 tuổi, anh là du kích xã, cũng đã hy sinh cùng một ngày với mẹ.

Mẹ Phạm Thị Nính được Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng ngày 2/10/1998. Bà mẹ Việt Nam anh hùng là danh hiệu mà Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng cho mẹ Phạm Thị Nính vì đã có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chiến tranh đã đi qua, hoà bình đã trở về với dân tộc Việt Nam, niềm vui đã trở lại nhưng nỗi đau thì vẫn còn đấy. Mẹ Nính và người con trai duy nhất của mẹ đã không còn nữa vì đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc. Tấm gương hy sinh của Liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Nính đã tô đậm màu cờ của Tổ quốc, làm rạng rỡ thêm truyền thống “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam.

Hiện con trai thứ hai (của mẹ sau) là Bùi Văn Phú lo việc thờ cúng mẹ và anh trai tại nhà số 74A, đường 26, ấp Trung, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi. Điện thoại liên hệ 01652734613.

2. Liệt sĩ Nguyễn Thị Tua (1915-1950)

Liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tua, sinh năm 1915, hy sinh ngày 2/10/1950, hưởng dương 35 tuổi, quê quán xã Định Hòa, Thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Trú quán theo quê chồng về ở ấp Bốn Phú, xã Trung An, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. Mẹ có chồng, một con trai đã anh dũng hy sinh tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, trưởng thành trên quê hương có truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm kiên cường, bất khuất. Xuất thân từ gia đình nông dân nghèo vốn có đức tính hiền hòa, nhân hậu, ngay thẳng, chất phát, cần cù, siêng năng trong lao động. Mẹ chỉ có 2 anh em (anh là Lê Văn Tông – hiện đang sinh sống tại xã Thới Hòa, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương). Năm 20 tuổi, mẹ lập gia đình và về sống bên quê chồng tại làng An Phú (sau đó đổi thành xã An Phú Thạnh và Trung An ngày nay). Cũng như bao người nông dân khác, mẹ Nguyễn Thị Tua làm ruộng rẫy và buôn bán nuôi con.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, gia đình Mẹ luôn là cơ sở đáng tin cậy của cách mạng. Bản thân mẹ luôn tích cực tham gia các công tác, nuôi giấu cán bộ về hoạt động cách mạng. Chồng đi kháng chiến, mẹ ở nhà làm lụn vất vã nuôi con, tiếp sức cho chồng yên tâm công tác. Mẹ sinh được 5 người con (4 trai, 01 gái), gồm: Nguyễn Văn Dợi; Nguyễn Văn Dậm; Hồ Văn Hát; Hồ Ngọc Lan và Hồ Văn Kiên. Được sự nuôi dưỡng, dạy dỗ, giáo dục của mẹ, các người con của mẹ lớn lên đều sống xứng đáng với truyền thống quê hương xã Trung An anh hùng, tất cả các con của mẹ đều thoát ly gia đình tham gia vào các lực lượng võ trang cách mạng, trực tiếp cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mẹ Tua là một cán bộ năng nổ trong công việc tiếp tế lương thực cho bộ đội. Ngày 2/10/1950, trong một lần đi mua lương thực, nhu yếu phẩm để về nuôi dưỡng thương binh, ghe của Mẹ đã bị giặc phục kích bắn chìm trên sông Rạch Kè, thuộc ấp Phú Trung, xã An Phú Thạnh (nay là ấp Bốn Phú, xã Trung An, huyện Củ Chi). Liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tua hy sinh là tấm gương sáng cho muôn đời con cháu noi theo.

Mẹ có 2 người thân là liệt sĩ, gồm: Chồng mẹ Liệt sĩ Hồ Văn Kiểm (Bí danh Tám Đầu Bạc), sinh năm 1908. Ông tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ông là Bí thư Chi bộ xã Trung An (giai đoạn 1961- 1962). Lúc này, bọn giặc truy lùng gắt gao và treo giải thưởng cao cho ai bắt sống hoặc lấy được đầu của ông Tám Đầu Bạc. Sau đó ông chuyển công tác vào Hậu cần Đoàn 83. Ông hy sinh ngày 12/8/1970 tại xã Phú An, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương cùng với nhiều đồng chí khác do hầm trú ẩn bị trúng pháo địch. Con trai thứ tư của mẹ – Liệt sĩ Hồ Văn Hát, sinh năm 1941, tham gia lực lượng du kích xã Trung An, hy sinh ngày 12/5/1968, tại ấp Bốn Phú do bị địch phục kích bắn chết trong lúc anh đang trên đường đi công tác.

Các con còn lại của Mẹ gồm: con trai thứ hai là ông Nguyễn Văn Dợi, sinh năm 1939, tham gia công tác cách mạng từ năm 1952, sau đó thoát ly vào bộ đội Chi đội 12 do đồng chí Tô Ký chỉ huy. Năm 1954, tập kết ra Bắc. Sau ngày 30/4/1975, về hưu, bị tai nạn mất năm 1989. Con trai thứ ba của mẹ là Nguyễn Văn Dậm, sinh năm 1941, tham gia công tác cách mạng từ năm 1953, sau đó thoát ly vào bộ đội Chi đội 12 do đồng chí Tô Ký chỉ huy. Năm 1954, tập kết ra Bắc học trường Lục quân. Năm 1963 trở vào Nam chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị- Thừa Thiên, chức vụ Tiểu đoàn trưởng. Năm 1972, anh bị thương được chuyển ra Bắc điều trị. Cuối năm 1972 được đơn vị cử đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô và làm việc tại đây. Năm 2010, anh về nước và bệnh mất năm 2013. Con gái thứ tư của mẹ là Hồ Ngọc Lan, sinh năm 1943, tham gia công tác cách mạng từ năm 1964 làm công tác giao liên, sau đó chuyển sang công tác Thành. Sau giải phóng làm nhân viên Bưu điện thành phố Hồ Chí Minh, chị bệnh mất năm 1988. Con trai út của mẹ là Hồ Văn Kiên, sinh năm 1945, tham gia công tác cách mạng từ năm 1963, cán bộ trinh sát kỷ thuật quân báo Miền. Năm 1976, anh phục viên, hiện là Bí thư Chi bộ ấp Bốn Phú, xã Trung An, Củ Chi.

Mẹ Nguyễn Thị Tua được Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng ngày 17/01/2002. Hiện con trai út của mẹ là Hồ Văn Kiên lo việc thờ cúng mẹ tại nhà số 418/01, đường Trung An, ấp Bốn Phú, xã Trung An, huyện Củ Chi. Điện thoại liên hệ: 09078352219.

3. Liệt sĩ Nguyễn Thị Xền (1916-1948)

Liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Xền sinh năm 1916, hy sinh năm 1948, hưởng dương 32 tuổi, quê quán ấp Tiền, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. Mẹ có chồng và con trai đã anh dũng hy sinh trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Cũng như những bà mẹ Việt Nam anh hùng khác, mẹ Nguyễn Thị Xền được sinh ra trong bối cảnh đất nước bị giặc Pháp xâm lược, trưởng thành trên quê hương và trong gia đình có truyền thống đấu tranh cách mạng từ lâu đời. Mẹ là một trong những người phụ nữ Việt Nam rất đỗi bình dị, nhưng kiên cường bất khuất trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Mẹ theo về ở quê chồng tại ấp Xóm Đồng, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi. Gia đình sống bằng nghề làm ruộng, thuộc thành phần khá giả. Mẹ sinh được 4 người con (3 trai, 1 gái), gồm: Trần văn Còn; Trần Thị Lùm; Trần Văn Xựa và Trần Hải. Bản thân mẹ và chồng vừa tham gia hoạt động cách mạng vừa chăm sóc nuôi dạy con cái trưởng thành, giáo dục các con phải biết sống và hy sinh vì Tổ quốc.

Mẹ Xền tham gia hoạt động trong Hội Phụ nữ xã Tân Phú Trung từ năm 1945. Mẹ cùng bà con đi đấu tranh biểu tình nhiều lần tại dinh quận Hóc Môn. Mẹ còn thường xuyên cung cấp lương thực, thực phẩm thuốc men cho Chi đội 12 hoạt động. Năm 1948, trong lúc trên đường vận chuyển lương thực, thuốc men tiếp tế cho cách mạng thì bị địch phát hiện do có Việt gian chỉ điểm, chúng bắt và bắn mẹ rồi thả xác trôi xuống sông Cầu Xáng, Hóc Môn.

Chồng mẹ – Liệt sĩ Trần Văn Mừng (Bí danh Năm Kỳ), ông sinh năm 1915 tại ấp Xóm Đồng, xã Tân Phú Trung. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ trước năm 1940. Trong thời gian hoạt động công tác bị bọn Việt gian chỉ điểm, địch đã vây bắt và bắn chết ông tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh vào ngày 1/7/1961. Lúc này, ông là Huyện ủy viên huyện Bình Tân. Ông được truy tặng Huân chương Lao động hạng ba.

Con trai của mẹ- Liệt sĩ Trần Văn Xựa (bí danh Trần Sơn), sinh năm 1943. Ông tham gia hoạt động từ năm 1960, công tác ở cơ quan Đoàn Thanh niên quận Củ Chi. Năm 1964 trên đường ra ấp chiến lược công tác thì lọt vào ổ phục kích của giặc và hy sinh tại cống Cây Da, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi.

Ngoài ra, mẹ còn 2 người con trai cũng tham gia công tác cách mạng gồm: Con trai thứ hai là Trần Văn Còn, sinh năm 1937, tham gia cách mạng từ năm 1953 thuộc Đoàn 170 An ninh vũ trang Miền (B2). Năm 1960, anh được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam. Sau ngày giải phóng 30/04/1975, anh là Thượng úy, Phó Ban Tham mưu kế hoạch- Phòng Hậu cần. Đến năm 1981, là Thượng tá, Chủ nhiệm Hậu cần Trung đoàn 597- Đoàn 32. Năm 1985, anh nghỉ hưu về sinh sống tại xã Tân Phú Trung và đã từ trần vào năm 2010. Con trai út của mẹ là Trần Hải, sinh năm 1946, hoạt động cách mạng từ năm 1964, tham gia chiến đấu ở nhiều nơi. Sau ngày giải phóng, anh là Bí thư Huyện ủy huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, đến năm 1990 nghỉ hưu.

Hình ảnh sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Mẹ Nguyễn Thị Xền gánh vác việc nước, đảm đang việc nhà để chồng con yên tâm đánh giặc, mẹ đã hiến tặng một người chồng, một người con thân yêu cho độc lập tự do của Tổ quốc, sự hy sinh đó đã góp phần làm nên hình ảnh những bà Mẹ Việt Nam kiên cường, bất khuất. Mẹ Nguyễn Thị Xền được Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng ngày 06/11/2001. Hiện con dâu thứ hai của mẹ là Huỳnh Thị Mọn lo việc thờ cúng mẹ và các anh tại nhà số 172 A, tỉnh lộ 2, ấp Xóm Đồng, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi. Điện thoại liên hệ: 083.7961593

4. Liệt sĩ Bùi Thị He (1921-1963)

Liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị He, sinh năm 1921, hy sinh ngày 6 tháng 9 năm 1963, hưởng dương 42 tuổi, quê quán: ấp Xóm Bưng, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. Mẹ có 02 người anh trai, chồng và 3 con trai đã anh dũng hy sinh trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mẹ Nguyễn Thị He còn là con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Trèn (1890-1952).

Mẹ Bùi Thị He sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, đông con. Mẹ có tất cả 6 anh chị em, trong đó có 02 người anh là liệt sĩ: người anh cả công tác ở ban Kinh tài xã Nhuận Đức là Bùi Văn Dốc (1913- 1970). Người anh thứ năm công tác ở Ban Kinh tài quận Củ Chi là Bùi Văn Cá (1919- 1971). Gia đình mẹ thuộc thành phần bần nông, sống bằng nghề làm ruộng rẫy, mẹ còn làm nghề cạo mủ cao su mướn cho đồn điền Đỗ Cao Lụa (nay là nông trường Phạm Văn Cội).

Năm 16 tuổi mẹ làm liên lạc cho các anh chị dân quân ấp Xóm Bưng, xã Nhuận Đức, Củ Chi. Năm 18 tuổi, mẹ lập gia đình, chồng mẹ là ông Đặng Văn Gạo, quê quán ở ấp Gò Nổi, xã An Nhơn Tây, Củ Chi, là người tích cực hoạt động cách mạng từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Mẹ đã động viên, giúp đỡ rất nhiều cho chồng để ông hoàn thành tốt nhiệm vụ của cách mạng giao cho. Năm 1940, mẹ gia nhập vào đội du kích xã Nhuận Đức, lúc đó mẹ đã có 1 người con (anh Đặng Văn Thóc). Mẹ sinh được 7 người con (6 trai, 1 gái), gồm: Đặng Văn Thóc; Đặng Văn Khổng; Đặng Thìn; Đặng Văn Lình; Đặng Thị Nàng; Đặng Văn Xình và Đặng Văn Nga.

Từ ngày tham gia hoạt động cách mạng đến lúc hy sinh, má luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ khi được phân công. Ảnh hưởng ý chí bất khuất của ba mẹ, các con của mẹ đã xin được tham gia hoạt động cách mạng. Noi gương sáng của ba mẹ, các anh luôn hoàn thành tốt moi nhiệm vụ và đã lập được nhiều chiến công.

Năm 1963, Mẹ Bùi Thị He là Trưởng ban cán bộ phụ nữ xã, Trưởng ban vận động biểu tình xã Nhuận Đức. Vào ngày 6/9/1963 mẹ Bùi Thị He dẫn đầu đoàn biểu tình tiến ra chợ Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi để đấu tranh chính trị với giặc. Mẹ đã bị bọn giặc bắn trọng thương và trên đường về nhà mẹ đã hy sinh.

Mẹ Bùi Thị He có chồng, 03 con trai là liệt sĩ

Chồng mẹ- Liệt sĩ Đặng Văn Gạo, nhập ngũ năm 1939, kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1945. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược, ông làm Trưởng Ban Kinh tài Chi đội 6. Hy sinh ngày 20/3/1970, trên đường công tác bị lọt vào ổ phục kích của giặc. Chức vụ trước lúc hy sinh: Trưởng Ban Quân nhu Quân khu 9.

Liệt sĩ Đặng Văn Thóc (con trai thứ hai), sinh năm 1940, tại xã Nhuận Đức, Củ Chi, nhập ngũ năm 1959. Anh hy sinh trong một trận đánh xe tăng Mỹ ngày 5/9/1967. Chức vụ trước lúc hy sinh: Trưởng Ban bảo vệ Ban Tuyên huấn khu Sài Gòn- Gia Định.

Liệt sĩ Đặng Văn Khổng (con trai thứ ba), sinh năm 1943, tại xã Nhuận Đức, Củ Chi, nhập ngũ 1962. Anh hy sinh tháng 1/1968, khi ôm trái tấn công vào sân bay Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Chức vụ trước lúc hy sinh: Tiểu đội trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, đơn vị công tác: Công trường 9.

Liệt sĩ Đặng Văn Lình (con trai thứ năm), nhập ngũ năm 1960. Anh hy sinh năm 1967. Chức vụ trước lúc hy sinh: Tiểu đội trưởng, đơn vị: Tiểu đoàn Vinh Quang khu Sài Gòn- Gia Định (Biệt động Thành).

Ngoài người chồng, 03 con trai, Mẹ Bùi Thị He còn có 02 người anh trai cũng là liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc, Đó là:

Người anh thứ hai của mẹ- Liệt sĩ Bùi Văn Dốc, sinh năm 1913, tham gia kháng chiến từ năm 1945, nguyên là cán bộ Ủy ban kháng chiến xã Nhuận Đức, sau làm Trưởng Ban Kinh tài xã, hy sinh ngày 27/08/1969, trong khi đang cùng đồng đội họp bàn kế hoạch công tác thì bị pháo địch bắn hy sinh.

Người anh thứ năm của mẹ- Liệt sĩ Bùi Văn Cá, sinh năm 1919, tham gia kháng chiến từ năm 1945, Xã đội trưởng xã Nhuận Đức, sau chuyển công tác ở huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, hy sinh năm 1970 ở Đồng Ớt, xã Lộc Thuận, huyện Trảng Bàng.

Mẹ Bùi Thị He được Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng ngày 24/4/1995. Hiện con trai của mẹ là Đặng Văn Xình lo việc thờ cúng mẹ tại nhà số 164, đường 538, ấp Xóm Bưng, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi.

5. Liệt sĩ Nguyễn Thị Rư (1929-1969)

Liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Rư (còn có tên Bùi Thị Rư) sinh năm 1929, hy sinh ngày 29 tháng 02 năm 1969, hưởng dương 40 tuổi, quê quán ở ấp Gia Bẹ, xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. Mẹ có Mẹ có chồng, 02 con trai, 01 con rể đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Mẹ xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, không có ruộng đất, thời thơ ấu, mẹ phải đi làm thuê ở mướn phụ giúp cha mẹ kiếm tiền. Mẹ có tất cả 5 anh em. Lớn lên mẹ lập gia đình với ông Ngô Văn Then ở ấp Tầm Lanh, xã Trung Lập Thượng, Củ Chi, mẹ rất giỏi giang trong công việc ruộng vườn, ngoài ra hàng ngày còn phải mua gánh bán bưng để đủ tiền nuôi chồng con. Mẹ sinh được 4 người con, gồm: Ngô văn Quân; Ngô Thị Anh; Ngô Thị Khỏi; Ngô Văn Nhân.

Năm 1960, chồng mẹ là ông Ngô Văn Then- Xã đội phó xã Trung Lập Hạ, lúc này, mẹ cũng cùng chồng tham gia công tác cách mạng, đảm nhận nhiệm vụ làm liên lạc cho cán bộ. Năm 1961, mẹ tham gia phong trào đấu tranh binh vận ở địa phương. Mẹ bị địch bắt giam ở nhà tù Phú Lợi, tỉnh Bình Dương. Năm 1962, mẹ được trả tự do về nhà tiếp tục hoạt động cách mạng. Trong thời gian mẹ ở tù, người con trai lớn Ngô Văn Quân sinh năm 1948, năm 16 tuổi thoát ly gia đình đi học ở trường Thiếu sinh quân ở xã Thanh Tuyền, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Năm 1964, trong một trận chiến chống càn của địch vào căn cứ ở Thanh Tuyền, anh đã dũng cảm chiến đấu hy sinh cùng nhiều đồng đội khác để bảo vệ căn cứ. Lúc đó, cấp bậc của anh là trung sĩ quân đội nhân dân Việt Nam.

Hai năm sau, vào ngày 1/1/1966, mẹ lại nhận được tin chồng Ngô Văn Then, xã đội phó xã Trung Lập Hạ hy sinh trong lần đi công tác tại Đồng Lớn bị máy bay địch phát hiện, truy đuổi bắn ông hy sinh. Cố nén đau thương vì nổi mất con, mất chồng, mẹ lại gián tiếp đảm nhận nhiệm vụ của chồng con còn dang dỡ, mẹ tiếp tục vận động bà con đấu tranh với giặc, ngày đêm bám trụ giữ làng, nươi quân, tải đạn chăm sóc thương binh. Ngày 29/2/1969, trong cuộc tấn công để giải cứu cán bộ của ta đang bị thương nặng lại bị giặc bao vây tại ấp Tầm Lanh, xã Trung Lập Thượng, Củ Chi, máy bay địch truy sát bắn mẹ hy sinh. Người con gái thứ ba của mẹ là chị Ngô Thị Anh sinh năm 1950, tham gia công tác cách mạng lúc 15 tuổi, làm giao liên cho du kích xã, chị từng bị địch bắt đánh đập tù dày ở Ty cảnh sát Tây Ninh. Năm 1972 do bệnh tật, nghỉ về nhà làm ruộng rẫy và đan bồ nuôi con. Chồng chị là liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Cao Văn Soái. Năm 1962 là cán bộ an ninh quận Củ Chi. Năm 1970, trong đợt giải vây cho cán bộ chiến sĩ an ninh quận bị giặc Mỹ bao vây ở xã Phú Hòa Đông, anh chiến đấu dũng cảm và anh dũng hy sinh.

Con gái thứ tư của mẹ là Ngô Thị Khởi, sinh năm 1951, tham gia hoạt động tại địa phương làm du kích ấp, liên lạc. Năm 1972 chị bị thương nặng, hiện là thương binh hiện đang sinh sống cùng các con ở ấp Tầm Lanh, xã Trung Lập Thượng.

Con trai út của mẹ- Nguyễn Văn Nhân, sinh năm 1953, tham gia hoạt động làm du kích tại địa phương. Năm 1970 trong lần đi công tác từ Đồng Lớn về Tầm Lanh, xã Trung lập Thượng, Củ Chi thị bị vướn mìn của địch hy sinh tại chỗ (hiện tại gia đình đang làm hồ sơ xin công nhận liệt sĩ)”

Mẹ Nguyễn Thị Rư (tức Bùi Thị Rư) được Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng ngày 17/12/1994. Quyết định số 394 KT/CTN và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng II.

Hiện cháu ngoại là Cao Văn Tùng (tức Bùi Văn Tùng) lo việc thờ cúng mẹ tại nhà số 24, đường 575, ấp Gia Bẹ, xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi.

(Nguyễn Sơn Lâm – Nguyễn Văn Đức sưu tầm và biên tập)