MAI SAU CÒN LẠI NỤ CƯỜI

Chị Võ Thị Thắng, người con gái của huyện Bến Lức, tỉnh Long An nổi tiếng với nụ cười lịch sử- nụ cười chiến thắng đã vĩnh viễn ra đi vào sáng ngày 22/8/2014. Chị sinh ngày 10/12/1945, trên quê hương “Long An trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.

Chị Võ Thị Thắng, người con gái của huyện Bến Lức, tỉnh Long An nổi tiếng với nụ cười lịch sử- nụ cười chiến thắng đã vĩnh viễn ra đi vào sáng ngày 22/8/2014. Chị sinh ngày 10/12/1945, trên quê hương “Long An trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Ở vùng đất giáp ranh phía Tây Nam Sài Gòn, theo như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Ôi Việt Nam xứ sở lạ lùng/ Đến em thơ cũng hóa những anh hùng/ Đến ong dại cũng luyện thành chiến sĩ/ Và hoa trái cũng biến thành vũ khí” thì chuyện một cô bé trên cánh đồng Tân Bửu sớm giúp ba mẹ nuôi giấu cán bộ cách mạng, làm giao liên, làm ám hiệu báo tình hình địch không là một biệt lệ. Chị tham gia cách mạng năm 1961, ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Năm 1962, cô nữ sinh trường Gia Long Võ Thị Thắng được chuyển về hoạt động ở Hội Liên hiệp Thanh niên sinh viên giải phóng Đặc khu Sài Gòn-Gia Định. Vào năm 1966, chị hoạt động trong phong trào công nhân và nhân dân lao động thành phố Sài Gòn. Năm 1968, trong lúc thực hiện ám sát một tên chỉ điểm ác ôn ở Phú Lâm, súng không nổ, chị bị bắt và bị kết án 20 năm tù khổ sai. Sau khi alttòa tuyên án, cô gái chưa đầy 23 tuổi mỉm cười, nói một câu nổi tiếng: “Liệu chính quyền các ông còn tồn tại 20 năm để bỏ tù tôi không?”. Trong khoảnh khắc đó, một phóng viên Nhật Bản đã chụp được bức chân dung với nụ cười kiên nghị, lạc quan của chị nở trên môi trước phiên tòa. Bức ảnh ấy được in trên nhiều tờ báo nước ngoài, mang lại sự mến mộ và khâm phục cho nhân dân nhiều nước trên thế giới (ngày nay, ở Cu Ba, có nhiều ngôi trường mang tên Võ Thị Thắng). Tuổi thanh xuân của chị trải qua nhiều nhà tù: Thủ Đức, Chí Hòa, Hố Nai, Tân Hiệp và ba năm với hai lần bị đày ra Côn Đảo. Cũng ít ai ngờ cô gái trẻ mảnh mai ấy đã từng trải qua một năm bị giam cầm ở chuồng cọp… Nhưng đúng như lời dự báo của chị trước phiên tòa năm 1968, chưa đầy 5 năm sau, chị được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa trao trả cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại sân bay Lộc Ninh. Sau ngày hòa bình, thống nhất, với “nụ cười chiến thắng” đầy tự tin, chị lao vào công tác xây dựng đất nước.

Đôi lần tôi được gặp chị, trong các cuộc họp mặt ở Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, hay những chuyến công tác về nguồn. Điều làm tôi có ấn tượng ấm áp về chị không chỉ vì những trọng trách mà chị đảm nhận (Nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX và khóa X; Đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI; nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam- Cu Ba; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) mà chính là những câu chuyện trong tù chị đã trải qua. Tôi còn nhớ khi tham gia viết tập sách “Những bông hoa nơi ngục tù Côn Đảo”, chị nói: “Đấu tranh trong tù đâu chỉ có những cuộc đàn áp, tuyệt thực, giữ gìn khí tiết mà khốc liệt hơn nhiều lần là sự đấu tranh với chính mình. Địch nắm được yếu điểm của phụ nữ, nên đàn áp tù nhân bằng bàn tay sắt lẫn bàn tay nhung. Chúng thất bại khi giơ cây gậy đàn áp nhưng khi dùng “củ cà rốt”, không ít chị em trung kiên đã gục ngã. Kẻ thù tàn bạo và thâm độc đã biết tấn công chị em ở chỗ mềm yếu nhất. Những tác phẩm viết về nữ tù chưa nói hết được cuộc đấu tranh sinh tử này!”. Để giúp người cầm bút viết về chân dung những nữ tù, chị đưa ra vài dẫn chứng về “bàn tay sắt” và “bàn tay nhung”; “cây gậy” và “củ cà rốt”, như việc chính quyền Sài Gòn đã giam hàng trăm nữ tù trong những chuồng cọp bị giấu kín. Những người con gái đẹp, chân yếu tay mềm bị đẩy vào địa ngục với những nắm cơm thối xanh lè, khô mục, một lon nước cho mỗi ngày, cả ăn uống, vệ sinh. Các chị còn bị tạt vôi bột làm toàn thân nóng bỏng, lở loét. Nhiều chị đã hy sinh trong những ngày khắc nghiệt ấy. Trong hoàn cảnh bị biệt giam, nằm chuồng cọp, bị cầm cố, đói khát, ngột ngạt, kiệt sức; khỏi phải nói, chị em nữ tù thèm khát không khí, ánh sáng, rau xanh đến mức nào! Khi chị em đấu tranh, những người cầm quyền không cho mở cửa mà đưa ra giải pháp: nếu ai thích thì được đưa ra 10 khoảng trống đầu dãy. Ở đó, các chị sẽ được tắm gội ăn rau, thịt, cá, được thư từ liên lạc mà không cần phải đổi lấy bất cứ điều kiện nào. Kỳ thực, âm mưu này rất thâm độc. Chúng đẩy những người tù tự tìm đến sự cách ly khỏi một tập thể kiên cường. Chị ngậm ngùi nói: “Mấy chị hưởng chế độ ưu đãi ấy, sau này không về với tập thể chúng tôi nữa”. Như chuyện đấu tranh tuyệt thực, cả tập thể đang lúc thoi thóp, quằn quại; địch nhẹ nhàng mở lối: “Không cần lên tiếng, chỉ cần giơ ngón tay thôi”. Địch biết rõ giữa lằn ranh chết và sống cũng là lúc con người dễ dao động nhất. Chị bao dung nói về những người bạn tù bị tách khỏi tập thể trung kiên, bởi sau những trận “thử lửa”, chị cũng đã từng tự hỏi mình: “Liệu trận sau lửa cao hơn, mình có chịu đựng nổi không?! Khó nhất của người tù là đấu tranh với bản thân để chiến thắng với chính mình. Phụ nữ có những nhạy cảm riêng về giới, như không sợ chết mà sợ xấu! Địch biết và khai thác tối đa sự yếu mềm này”. Kiên cường chịu đựng, chị đã chiến thắng trở về…

Chị nổi tiếng vì nụ cười nở trong khoảnh khắc chiến tranh nhưng trong hòa bình, vẫn là chị, với nụ cười không lẫn vào ai được, trong những ngày hòa bình không kém phần gian khổ, khốc liệt với bao giằng xé, trăn trở của cuộc chiến không tiếng súng. Chị dành cho người tiền nhiệm lòng kính trọng, yêu thương, cảm thông sâu sắc. Tôi không thể nào quên được nụ cười làm sáng bừng gương mặt chị khi kể câu chuyện về bà Nguyễn Thị Định mà chị gọi là dì Ba Định thân thương với những chi tiết đời thường vô cùng dung dị. Chị kể: “Dì Ba sống rất tình cảm, chân thành. Đằng sau những huân huy chương, quân hàm tướng, chức vụ Phó chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; người phụ nữ kiên cường vượt biển ra Bắc xin vũ khí cho Nam bộ đánh giặc, dì ba như bao người phụ nữ khác với những cảm xúc của con người. Dì khao khát được làm vợ thì người chồng dì yêu thương hy sinh ngoài Côn Đảo. Những năm tháng dồn tinh hoa, sức lực cho cuộc chiến đấu sanh tử, dì Ba không thể có thêm một đứa con nào nữa, ngoài anh On đã được gởi ra miền Bắc học tập, rồi mất vì bệnh. Tôi không thể nào quên hình ảnh dì Ba khi rời tất cả chức vụ, về Nam trong một buổi sáng mùa đông lạnh buốt, trên vai là hai bọc hài cốt: một của con và của con trai một người bạn miền Nam khác nhờ dì đưa vào Nam. Tấm gương tận tụy vì dân vì nước của dì Ba đã soi đường cho chúng tôi bước đi, cho chúng tôi nghị lực vượt qua nghịch cảnh. Dì Ba Định là người lãnh đạo mà chúng tôi chân thành tôn kính, trân quý, yêu thương”.

Vâng, tôi biết chị lại tiếp tục cuộc trường chinh ở chặng đường tiếp theo, khi thử sức mình trong một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ, quản lý một Tổng cục với những vấn đề mới cũ, đưa con tàu ngành du lịch Việt Nam ra biển lớn là thách thức với người cựu nữ tù Côn Đảo năm nào. Chị cũng có những nghịch cảnh, thậm chí cả tai ương, oan khuất nhưng chị đã kiên trì vượt qua. Tấm gương người lãnh đạo tiền nhiệm đã cho chị sức mạnh để chiến đấu và chiến thắng. Chị vẫn cười tươi sau mỗi lần họp mặt với bạn tù. Và nay thì chị thanh thản ra đi, sau khi gởi lại cho nhân gian này nụ cười kiêu hãnh, chân thành. Mai sau còn đọng lại nụ cười lịch sử của người con gái Bến Lức, Long An. Nụ cười Võ Thị Thắng.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 8 năm 2014

Trầm Hương

alt

Chị Võ Thị Thắng (áo chấm bi) và bà Ngô Thị Huệ

trong cuộc họp mặt cựu tù chính trị

và tù binh ở Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ