CHUYẾN VỀ NGUỒN CỦA CHI ĐOÀN BẢO TÀNG PHỤ NỮ NAM BỘ

Cuối năm 2013, nhân kỷ niệm 69 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2013); Chi đoàn Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ phối hợp với Chi đoàn phòng Di sản – Di tích và Dự án tổ chức thăm, tặng quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng và kết hợp về nguồn, tham quan học tập tại Khu di tích lịch sử Ngã Ba Giồng, huyện Hóc Môn.

Cuối năm 2013, nhân kỷ niệm 69 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2013); Chi đoàn Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ phối hợp với Chi đoàn phòng Di sản – Di tích và Dự án tổ chức thăm, tặng quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng và kết hợp về nguồn, tham quan học tập tại Khu di tích lịch sử Ngã Ba Giồng, huyện Hóc Môn.

Đây là hoạt động mang nhiều ý nghĩa, giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, chia sẻ khó khăn với những bà mẹ đã cống hiến những đứa con thân yêu cho Tổ quốc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, mặt khác cũng là dịp để các bạn đoàn viên thanh niên của Chi đoàn có dịp ôn lại quá khứ hào hùng của cha anh, ghi nhớ công ơn các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do, thống nhất nước nhà. Đây cũng là dịp để các bạn đoàn viên chi đoàn Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ thăm lại các Mẹ VN anh hùng sau gần 3 năm (2011-2013) Bảo tàng thực hiện Dự án “Nghiên cứu sưu tầm, trưng bày tư liệu về Mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Hồ Chí Minh”. Để thực hiện chuyến đi này, Chi đoàn Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đã vận động kinh phí từ các bạn đoàn viên Chi đoàn, cán bộ công chức, viên chức, Công đoàn của 2 đơn vị để chia sẻ hoàn cảnh khó khăn với 2 Mẹ Việt Nam anh hùng tại huyện Hóc Môn đó là Mẹ ĐàoThị Nhiệp và Mẹ Nguyễn Thị Cơ.

Chúng tôi đến nhà Mẹ VNAH Đào Thị Nhiệp ngụ ở ấp Đông Lân xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn. Khi bước vào nhà hình ảnh làm tôi xúc động chính là nơi vách tường những tấm bằng “Tổ quốc ghi công”, những tấm huân chương của các liệt sĩ treo kín cả bức vách ngăn căn phòng khách. Gặp chúng tôi, Mẹ rất vui, Mẹ năm nay đã 98 tuổi (sinh năm 1915) nhưng khá linh hoạt, đôi mắt tinh anh. Mẹ đang sống với chị Bùi Thị Tiến (con gái). Mẹ có 8 người con 5 trai, 3 gái, trong đó, có 4 người con trai là liệt sĩ, gồm liệt sĩ Bùi Văn Bé, hy sinh tháng 5/1968; liệt sĩ Bùi Văn Minh, Trung đội phó, hy sinh tháng 12/1969; liệt sĩ Bùi Văn Hoàng, Trung đội phó, hy sinh ngày 25/10/1969 và liệt sĩ Bùi Văn Ẩn hy sinh ngày 23/4/1974. Các con đi chiến đấu ngoài chiến trường, ở nhà Mẹ nuôi giấu, tiếp tế tiền, lương thực thuốc men, quần áo cho chiến sĩ, cho cách mạng. Mẹ kể cho chúng tôi nghe về những chiếc hầm Mẹ đào để nuôi giấu cán bộ trong kháng chiến. Hầm được đào tại sau vườn nhà Mẹ rất rộng chứa được nhiều người, liên thong với nhiều hầm nhỏ được bố trí rải rác ngoài vườn nhà của Mẹ. Nhà Mẹ nhiều lần bị địch ruồng bố nhưng do được ngụy trang khéo léo nên chúng không phát hiện. Trò chuyện với Mẹ chúng tôi càng khâm phục sự dũng cảm, hy sinh cao cả hết lòng vì tổ quốc, lặng lẽ nuốt nước mắt hiến dâng cho đất nước những người thân yêu nhất của mình.

Chúng tôi rời nhà Mẹ Nhiệp, men theo con đường liên xã đến xã Xuân Thới Thượng, được một cán bộ đoàn xã dẫn tới tận nhà để gặp mẹ VNAH Nguyễn Thị Cơ. Mẹ Cơ đã bước sang tuổi 80, Mẹ có một con trai duy nhất là liệt sĩ Huỳnh Văn Đạt, hy sinh năm 1967. Anh Đạt hy sinh Mẹ nhận chị Võ Kim Oanh – cháu ruột, gọi Mẹ bằng dì về làm con nuôi. Chị Oanh hiện đang sống chung và chăm sóc cho Mẹ. Trước đây, Mẹ sinh sống bằng nghề đan đệm. Mấy năm nay, Mẹ không tự đi lại được phải ngồi xe lăn, đôi mắt không còn nhìn được rõ. Chị Oanh Oanh và gia đình nhỏ của chị cận kề, chăm sóc cho Mẹ. Chia tay với Mẹ chúng tôi mong Mẹ luôn mạnh khỏe và sống vui.

Tiếp tục cuộc hành trình về nguồn, chúng tôi đến khu di tích lịch sử Ngã Ba Giồng – một trong 3 trường bắn của thực dân Pháp dựng lên ở Hóc Môn, đặt chân lên mảnh đất linh thiêng lòng chúng tôi bỗng lắng lại, được Chị Hoa (hướng dẫn viên khu di tích) tiếp đón niềm nở và hướng dẫn các bạn đoàn viên thanh niên vào đền thờ để làm lễ dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ. Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, các bạn đoàn viên chi đoàn đã kính cẩn nghiêng mình tưởng niệm và tri ân trước anh linh các anh hùng, liệt sỹ thể hiện lòng biết ơn đối với sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh đi trước cho độc lập dân tộc, cho cuộc sống ấm no hạnh phúc của các thế hệ đời sau.

Tại đây, chúng tôi đã được xem khu trưng bày và nghe thuyết minh về lịch sử đấu tranh của quân và dân vùng đất Hóc Môn – nơi diễn ra cuộc họp Xứ ủy Nam Kỳ (tháng 9/1940) đã quyết định thời gian diễn ra khởi nghĩa, nơi ghi nhận những cống hiến về trí tuệ và sự kiên trung của những chiến sĩ cộng sản nổi tiếng như Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đăng Lưu, Đỗ Văn Dậy, Phạm Công Bỉnh, Nguyễn Thị Thử, Phạm Văn Sáng… đã và sẽ mãi mãi sống trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, để thế hệ trẻ mãi ghi nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ, không ngừng rèn luyện và học tập xứng đáng với truyền thống yêu nước của các thế hệ cha ông.

Chuyến đi về nguồn, đã giúp chúng tôi có thêm tư liệu, hiểu biết về các di tích lịch sử trên địa bàn thành phố, góp phần vào việc gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Với các bạn đoàn viên đang công tác tại bộ phận thuyết minh của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, là cơ hội để có thêm tư liệu thực tế, nhận thức sâu sắc hơn về sự đóng góp to lớn của những người Mẹ, người con anh dũng của vùng đất 18 thôn Vườn Trầu cho nền độc lập, hòa bình, thống nhất của đất nước.

Tp.Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 4 năm 2014

Nguyễn Thị Vân Huệ