BỘ SƯU TẬP TIỀN KIM LOẠI MỆNH GIÁ 2 ĐỒNG IN CHÂN DUNG CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Nhân kỷ niệm 124 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/1969) và ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ giới thiệu đến công chúng bộ sưu tập tiền đồng, mệnh giá 2 đồng bằng kim loại có in chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tiền là một vật dùng để xác định giá trị của các vật. Tiền xuất hiện ở từng quốc gia sớm, muộn có khác nhau nhưng trên thế giới, nước nào cũng sử dụng tiền để trao đổi hàng hóa. Lịch sử phát triển của tiền tệ Việt Nam đã trải qua trên 1.000 năm, nhưng lịch sử tiền đồng tiền tệ ở Việt Nam đã có trên 2.000 năm. Trong hơn 2.000 năm đó, nhân dân Việt Nam tiếp thu những yếu tố ngoại lai, đồng thời bổ sung những yếu tố mới, phát triển văn hóa tiền tệ Phương Đông cũng như đối với văn hóa tiền tệ thế giới. Đây là kho tàng văn hóa tiền tệ phương Đông, là tinh hoa văn hóa của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là tài sản lịch sử văn hóa quý báu của toàn nhân loại. (trích nguồn “Tiền kim loại Việt Nam”, trang 80, NXB Hà Nội, 2005).

Những bằng chứng khảo cổ học cho thấy, trong thời kỳ Bắc thuộc đã có nhiều loại tiền của các triều đại Trung Quốc lưu hành ở nước ta. Từ sau khi giành được độc lập, vua Đinh Tiên Hoàng đã cho đúc đồng tiền “Thái Bình hưng bảo”. Đó là đồng tiền đầu tiên do người Việt Nam đúc và lưu hành tại Việt Nam. Từ đó trở đi, các triều đại tiếp theo của Việt Nam đều đúc tiền mang niên hiệu của mình để sử dụng.

Nhân kỷ niệm 124 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/1969) và ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ giới thiệu đến công chúng bộ sưu tập tiền đồng, mệnh giá 2 đồng bằng kim loại có in chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát hành năm 1946. Bộ sưu tập gồm có 228 đồng tiền do Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ sưu tầm được và hiện đang bảo quản.

Như chúng ta đã biết, sau khởi nghĩa Cách mạng tháng tám thành công, ngày 2/9/1945, Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Từ thời điểm này đến năm 1976 khi nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam được thành lập, ở miền Bắc là thời kỳ xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tiền tệ của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm có tiền Tài chính và tiền Ngân hàng; song song tồn tại trong thời gian này, còn có tiền liên bang Đông Dương và tiền Việt Nam Cộng Hòa ở phía Nam vĩ tuyến 17.

Ngay sau khi Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Chính phủ Lâm thời đã tổ chức “Tuần lễ vàng” (từ ngày 17/9 đến ngày 24/9/1945) để giảm bớt mọi khó khăn tài chính. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ thị phải bằng mọi cách xây dựng ngay xưởng in, đúc tiền để có thể chủ động phát hành ngay tiền của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tháng 10/1945, những đồng tiền nhôm đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bắt đầu được sản xuất, sau đó được phát hành tại Hà Nội.

Ngày 31/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh về việc phát hành tiền giấy cách mạng; theo đó, trước ngày 30/11/1946, tiền giấy cách mạng sẽ được phát hành trong toàn quốc.

Tháng 3/1946, Bộ Tài Chính của Chính phủ Lâm thời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập đã phát hành loại Tiền tài chính và nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của nhân dân cả nước.

Ngày 3/3/1946, Quốc dân Đại hội lần thứ nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã lựa chọn chính thức Chính phủ Trung ương, đứng dầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính phủ mới tranh thủ thời gian quý báu để giải quyết các vấn đề Việt Nam độc lập và thỏa thuận về việc quân Pháp rút về nước và cử một phái đoàn sang Pháp để đàm phán.

Ngày 23/11/1946 Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định trong cả nước chỉ được phép lưu thông tiền tài chính của Chính phủ.

Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” kêu gọi nhân dân cả nước nhất tề đứng lên chống thực dân Pháp. Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi đó phân chia cả nước ra làm 12 Ủy ban Hành chánh Kháng chiến và hình thành các căn cứ địa chống Pháp. Theo Quyết nghị của Quốc Hội Việt Nam, để tránh địch khủng bố, càn quét, các vùng tự phát hành tiền tệ để đối chọi lại hệ thống tiền Đông Dương thuộc Pháp.

Để đảm bảo giá trị đồng tiền của các căn cứ địa cách mạng, ngày 14/4/1948, Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố cấm sử dụng các loại tiền phong kiến và tiền Đông Dương thuộc Pháp trong phạm vi cả nước. Tiền của các căn cứ địa cách mạng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thời kỳ này đều do Bộ Tài chính phát hành, do vậy loại tiền này cũng được gọi là tiền tài chính. Tiền tài chính và tiền do ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành sau này là hai giai đoạn lớn của hệ thống tiền tệ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát hành tiền tài chính từ năm 1945 đến năm 1951, bao gồm có tiền kim loại và tiền giấy. Loại tiền này lấy “đồng” làm đơn vị tiền tệ, không sử dụng đơn vị tiền tệ của Pháp.

Tiền kim loại gồm có các mệnh giá: 20 xu, 5 hào, 1 đồng và 2 đồng. Đây là bộ tiền được chế tạo và phát hành sớm nhất trong hệ thống tiền tệ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trên các đồng tiền kim loại có in niên hiệu, ký hiệu, chân dung, các yếu tố nghệ thuật như rồng, sông nước,… Riêng đồng tiền kim loại mệnh giá 2 đồng phát hành năm 1946 tại Việt Nam, ở mặt trước đúc chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và mặt sau đúc hình ngôi sao 5 cánh.

Bộ tiền kim loại có mệnh giá 2 đồng, chất liệu đồng thau, mặt trước chính giữa là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, phía trên là dòng chữ “CHU TICH HO CHI MINH” (Chủ tịch Hồ Chí Minh), biên tiền trang trí bằng một dây hoa, phía dưới ghi năm đúc 1946 trong khung hình chữ nhật; mặt sau ghi dòng chữ “VIET NAM DAN CHU CONG HOA” (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) và chữ “Năm II” trong khung hình chữ nhật, giữa là hình vòng hoa, ngôi sao năm cánh và mệnh giá “Hai đồng”. Bộ tiền này được chế tạo, phát hành trong thời gian từ tháng 10/1945 đến năm 1946, chủ yếu là ở khu vực miền Bắc.

Ngày 6/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, phát hành tiền ngân hang thay cho loại tiền “Tài chính” trước kia. Từ đó về sau tiền tệ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bước vào giai đoạn mới, giai đoạn “Tiền ngân hàng”.

Bộ tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành lần đầu vào năm 1951 không có tiền kim loại, chỉ có tiền giấy các loại, mệnh giá: 10 đồng, 20 đồng, 50 đồng, 100 đồng, 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng; đến năm 1953 bổ sung thêm tờ 5.000 đồng. Sau khi bộ tiền giấy này được phát hành, tình thế cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta chuyển biến rất nhanh. Từ tháng 12/1953 đến tháng 5/1954, quân dân Việt Nam giành được những thắng lợi to lớn về mặt quân sự, ngoại giao, đi đến việc Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, thừa nhận độc lập của ba nước Đông Dương.

Tp.Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 5 năm 2014

Nguyễn Thị Bích Hoa